
Quyển sách goodbye, things (tựa đề tiếng Việt: Lối sống tối giản của người Nhật) có lẽ là quyển sách mà tôi yêu thích nhất từ khi tham gia cộng đồng những người sống tối giản. Như một lời cảm ơn đến tác giả, đây là bài viết mà tôi sẽ nói về LSTG của tác giả Fumio Sasaki, những triết lý mà tôi cho là hiệu quả cho lối sống của bản thân.
Nếu bạn chưa đọc qua quyển sách này thì có thể xem đây là một bài review sách của riêng tôi. Lối sống tối giản hay còn được biết đến là danshari ở Nhật, hay minimalism là một lối sống đang được đông đảo cộng đồng trên thế giới yêu thích và tham gia. Không phải vì đây là xu hướng, mà là vì những lợi ích mà nó mang đến cho cuộc sống cũng như tinh thần cho những người áp dụng nó.
Tại sao lại sống tối giản?
Khi chúng ta tồn tại giữa quá nhiều thứ, chúng ta lại không có đủ thời gian và nguồn lực cho tất cả những thứ này, điều này dẫn đến việc chúng ta cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và muốn thoát khỏi chúng.
Và trong quyển sách này, tác giả đã chọn lối sống tối giản như là một giải pháp để giúp ông biết được đâu là nhu cầu thật sự và việc loại bỏ đồ vật giúp ông có thời gian và không gian cho những thứ mang lại giá trị niềm vui thật sự cho ông hơn.
Giữa một tủ đồ đầy ấp, bạn không thể biết đâu là bộ đồ mà bạn yêu thích nhất, vì nó đã bị che đi bởi những bộ đồ khác mà bạn vốn dĩ không thể nhớ lần cuối cùng bạn mặc chúng là khi nào. Và bạn sẽ tự cho là mình không có đồ để mặc.
Giữa những suy nghĩ hỗn độn trong đầu, bạn không biết mình thích gì làm gì cho cuộc sống này và thậm chí còn không có thời gian để suy nghĩ về điều này vì nó đã bị che lấp đi bởi những suy nghĩ khác. Và bạn sẽ tự cho là cuộc sống thật chán nản, không mục đích.
Đâu là việc mang lại niềm vui và ý nghĩa cho bạn nhất ?
Chúng ta luôn phải chạy theo những thay đổi của xã hội để bắt kịp với xu hướng, chuẩn mực của hiện tại. Sự thật là chúng ta không bao giờ theo kịp và mọi thứ vẫn tiếp diễn. Từ một nhu cầu là sở hữu một căn nhà rộng rãi khiến chúng ta phải chạy theo đồng tiền và nhu cầu đó đã vô tình trở thành áp lực luôn tồn tại trong đầu hằng ngày mỗi khi chúng ta bước ra đường.
Để mua được một căn nhà rộng rãi ở Việt Nam hiện tại là một điều không hề dễ dàng với đại đa số người dân. Giá nhà tăng, giá đất tăng, sở hữu được một căn nhà to rộng để có thể chất chứa được những vật dụng nội thất mà bạn muốn đòi hỏi một khoản tiền không hề nhỏ. Câu hỏi đặt ra là tại sao phải chứa những nội thất mà bạn vốn dĩ không cần đến.
Nhật Bản hay Việt Nam là hai quốc gia có mật độ dân số đông khá tương tự vì dân số và diện tích khá tương đồng. Điều này đồng nghĩa nhu cầu nhà đất là rất cạnh tranh dẫn đến giá cả luôn đi lên theo cấp số nhân. Giải pháp của tác giả đó là chọn căn nhà có diện tích vừa đủ, không gian sinh hoạt vừa đủ và chỉ dùng những vật dụng cần thiết cho từng nhu cầu. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ giảm đi rất nhiều chi phí cho căn nhà cũng như nội thất.
Những vấn đề gặp phải khi bạn mới tham gia lối sống này:
- Không thể mời bạn bè đến nhà dùng cơm vì đồ đạc trong bếp chỉ đủ cho bạn.
- Không thể tích trữ, thu thập đồ vật để tạo không gian cho ngôi nhà.
- Không thể mặc quần áo theo xu hướng hiện tại.
Bạn đừng hiểu nhầm rằng đây là hạn chế của lối sống mà Sasaki đề cập trong quyển sách. Với ông đây là những khó khăn mà bạn có thể gặp phải khi mới bắt đầu lối sống này. Nhận thức được những điều này ông cũng đưa ra những giải pháp như sau:
Giải pháp của Sasaki:
- Phố phường là phòng khách: tận dụng những hàng quán cà phê làm nơi gặp gỡ bạn bè, việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian chuẩn bị thức ăn, đồ uống, chi phí cho những vật dụng trong bếp và có thời gian cho cuộc gặp gỡ, cũng như tận hưởng được đồ ăn thức uống và không gian của từng hàng quán.
- Nếu bạn là một người đọc sách nhiều, hãy xem lại tủ sách của bạn có bao nhiêu quyển bạn đã đọc, bao nhiêu quyển bạn chưa đọc và đã nằm ở đó từ rất lâu. Tương tự với những thiết bị khác như đĩa CD, truyện, tiểu thuyết, thiết bị camera. Hãy nói lời tạm biệt với chúng và chỉ giữ lại những thứ bạn thật sự yêu quí.
- Hãy đồng bộ hóa trang phục của bạn, tối giản hóa phong cách giúp bạn tiết kiệm thời gian chọn quần áo. Việc này giúp cho quần áo của bạn không bao giờ lỗi thời, không hợp thời trang. Thay vào đó, hãy dành chi phí chất liệu vải tốt hơn là kiểu dáng hay xu hướng hiện tại.
Vứt bỏ đồ vật là một quá trình và bạn sẽ cần thời gian để biết được mình cần gì, không cần gì. Biết được sẽ có rất nhiều vấn đề ngoài 3 vấn đề trên đây trong việc giảm thiểu đồ vật, tác giả đã đưa ra 55 quy tắc vứt bỏ đồ vật trong quyển sách này, bạn có thể đọc và tìm hiểu để áp dụng cho bản thân. Quy tắc ‘phố phường là hàng quán’ ở trên là quy tắc số 32 trong 55 quy tắc của tác giả.
Dưới đây là 10 quy tắc vứt bỏ đồ vật mà tôi yêu thích nhất từ Sasaki Fumio:
1. Phố phường là phòng khách nhà bạn
2. Giữ nguyên không gian chết.
3. Vứt những món đồ có màu sắc kích thích mắt.
4. Lãng phí thực ra là cảm giác của chính bạn.
5. Hiệu quả Concorde/chi phí chìm.
6. Đừng nghĩ mãi về giá lúc mua.
7. Vứt đồ đi, những thứ còn lại mới quan trọng.
8. Giả vờ “vứt thử”.
9. Mua một cái, giảm một cái.
10. Đừng mua vì rẻ, đừng nhận vì miễn phí.
Tối giản không dừng lại ở đồ vật
Những thứ xoay quanh chúng ta không chỉ là vật chất tồn tại hiện hữu, mà còn là những thông tin, những mối quan hệ xã hội, những hoạt động giải trí. Đây là những thứ chiếm hầu hết thời gian sống của chúng ta trong thời đại công nghệ.
Tối giản thông tin điện tử: chúng ta dành hàng giờ cho mạng xã hội thông qua màn hình máy tính, màn hình điện thoại, những videos, thông tin không có dẫn chứng xác thực vẫn tồn tại trên các phương tiện truyền thông. Nếu không biết được đâu là thứ bạn cần, đâu là nơi cung cấp những kiến thức đúng thì bạn sẽ bị những thông tin sai lệch che lấp và lấy đi thời gian của chính bạn. Hãy chọn những thông tin mà bạn muốn xem, đừng để những thuật toán khiến bạn chìm vào những thông tin do họ định sẵn.
Tối giản mối quan hệ: có nhiều mối quan hệ không có nghĩa là bạn biết nhiều về họ, hãy dành thời gian cho những người thật sự quan trọng và mang lại niềm vui cho bản thân. Thật sự thì nếu bạn có nhiều mối quan hệ thì cũng không thể hết mình cho tất cả những mối quan hệ đó vì thời gian của bạn là có hạn mà. Có ít mà hiểu sâu vẫn hơn là có nhiều mà hiểu cạn.
Căn bệnh ‘muốn vứt đồ’
Cốt lõi của lối sống tối giản là một quá trình tìm hiểu giá trị bản thân. Đó là một phương tiện giúp tìm ra những thứ mà bạn xem trọng nhất trong cuộc sống và loại bỏ những thứ gây cản trở cho quá trình này.
Nếu bạn xem lối sống tối giản là một cuộc đua về lối sống với càng ít đồ đạc thì bạn có thể đã rơi vào căn bệnh “muốn vứt đồ” vốn được xem là tương tự như căn bệnh “muốn trữ đồ”. Quá trình vứt đồ không cần thiết là cách giúp bạn đi đến lối sống này, nó không phải là mục đích của lối sống tối giản. Đừng chỉ trích một người có quá nhiều đồ hay có quá ít đồ, vì mỗi người có một lối sống tối giản khác nhau, miễn là bạn cảm thấy hài lòng với những gì đang có.
Đừng quan trọng việc phải có ít đồ, thay vào đó hãy nghĩ về những thứ quan trọng với bạn. Và cũng không nên chỉ trích một người có nhiều đồ, sẽ chẳng có gì sai nếu số lượng những món đồ họ sở hữu (những món đồ mà họ tìm thấy giá trị cho bản thân họ) nhiều hơn số lượng mà bạn đang có.
Có lẽ 15 quy tắc ở cuối sách của tác giả sẽ giúp cho những ai rơi vào tình trạng muốn vứt bỏ đồ vật nhiều hơn.
Lời kết
Đây là một quyển sách rất hay của Fumio Sasaki với cách tiếp cận rất phù hợp cho người mới bắt đầu. Ông cũng bắt đầu quyển sách bằng những hình ảnh của 5 ví dụ điển hình về lối sống này ở Nhật: bản thân tác giả, anh Hiji, vợ chồng Ofumi, chị Yamada và anh Itou Kouda. Những ví dụ này giúp cho người đọc dễ hình dung hơn về quá trình thay đổi từ trước và sau khi thực hành lối sống này.
Sau đó là quá trình chi tiết về thay đổi của bản thân ông kèm với 55 quy tắc vứt bỏ đồ vật và 15 quy tắc để chữa căn bệnh vứt đồ của nhiều người.
Xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ quyển sách này và truyền cảm hứng về lối sống tối giản đến nhiều người hơn, trong đó có tôi.